Thầm lặng… Là nói không với Bản ngã “Ego”.

1. Không nên nói nhiều, không nói những lời vuốt ve, nuông chiều hoặc trở thành đồng lõa…, chỉ để mua vui và nuôi dưỡng cho Bản ngã.

Nói ít và nói trọng tâm cốt lõi, nói bằng trí tuệ để soi sáng và nâng đỡ.

2. Không nên để tâm trí ồn ào, xáo động…, như vậy tâm trí sẽ mất hết năng lượng và nó trở nên yếu ớt vô cùng. Khi tâm trí yếu ớt nó rất dễ bị bản ngã ảo tưởng tấn công và đánh gục! Biểu hiện là suy nghĩ rất nhanh và rất nhiều, nói rất nhiều, hướng ngoại để trách móc và đổ lỗi…

Hãy để tâm trí luôn ở trong trạng thái bình an vắng lặng mọi loại tạp niệm, cho tâm trí trải nghiệm sự bình an nội tại và nếm trải vị ngọt của tính tâm linh…, đó chính là thức ăn bỗ dưỡng cao cấp làm cho tâm trí chúng ta khỏe mạnh!

3. Không hấp tấp, vội vàng trong mỗi hành động.

Hãy cẩn thận, cẩn trọng, có sự chú ý và nhận biết trong mỗi hành động, hãy xem mỗi hành động là một nghệ thuật và là một niềm vui thích – hạnh phúc.

4. Không thể hiện để gây sự chú ý của người khác về phía mình, không xem mình là trung tâm và là người quan trọng không thể thay thế, không làm những việc tốt chỉ nhằm thu hút người khác và tạo ảnh hưởng đối với người khác để thấy mình giỏi và có giá trị… nhằm chinh phục và lèo lái họ theo ý của riêng mình.

Nếu mình giỏi thật thì mình phải chinh phục được Bản ngã, cái cần chinh phục là chinh phục cái Bản ngã cứ muốn đi chinh phục người khác, nếu mình có giá trị thật thì mình không cần phải khoe khoang cho người khác biết để họ công nhận làm chi, đã thật rồi đâu cần ai phải công nhận?

5. Không cố chấp, cố thủ, đổ lỗi cho gương soi để bao biện – cũng cố và dưỡng nuôi những yếu kém, lỗi lầm và những thói hư tật xấu của chính mình.

Hãy trung thực với bản thân, hãy lột trần mọi nhãn mác và những giá trị ảo bên ngoài, phải tự mình xé toang hết những đám mây vô minh ảo tưởng đó đi để sống một cuộc đời nhẹ nhõm, vui tươi, tự do tự tại, yêu thương và nhảy múa với niềm vui hạnh phúc trong lòng.

6. Không ù lì và lười nhác, rồi trở nên lệ thuộc yếu ớt…, mọi việc của bản thân mình thì mình phải hoàn thành trách nhiệm của riêng mình trước, sau đó mới nghĩ tới việc giúp người khác, đừng chỉ nghĩ hay và nói cho hay, nó chỉ là đống rác vô nghĩa mà thôi, bởi nó lấy hết năng lượng và sức sống của bạn.
Sự ù lì lười nhác trong nỗ lực sẽ khiến bạn nhòm ngó ra bên ngoài để so sánh đố kỵ với thành tựu từ sự nỗ lực của người khác, người khác họ nỗ lực nên họ mới đạt được như vậy.
Thế nên, nếu bạn muốn so sánh thì bạn hãy so sánh sự nỗ lực của mình với nỗ lực của người khác, sự so sánh đó được ví như 1 động lực hướng thượng để giúp bạn tự chuyển hóa bản thân mà thôi.

Hãy để việc bạn làm và cách bạn sống nói thay cho bạn.

7. Không ham muốn và kỳ vọng. Bởi ham muốn và kỳ vọng càng lớn thì bạn sẽ rơi càng sâu trong vũng bùn nhơ nhuốc của sự thất vọng và khổ đau… Nó sẽ lấy hết mọi giá trị tốt đẹp của bạn và nhân cách của bạn chỉ còn là con số âm.

Hãy nhận ra sự yếu đuối và thiếu hụt ở bên trong chính mình dựa trên những thứ mình kỳ vọng, rồi quay vào bên trong để làm đầy những thiếu hụt đó, khi bạn đầy đủ thì bạn mới thôi không kỳ vọng nữa, khi bạn đầy đủ thì bạn mới thật có để cho đi mà không có điều kiện và không có lý do.

8. Không phóng chiếu yếu kém và lỗi lầm của mình lên những gương soi để che đậy và khỏa lấp đống rác đang thối ở bên trong của chính mình. Nếu bạn làm vậy thì bạn được gọi là 1 người tu lộn ngược!
Khi nào tâm trí của bạn còn bị thu hút đến yếu kém của một ai đó thì bên trong bạn đang có đúng những yếu kém nhược điểm đó, chẳng qua, bản ngã thông minh nên nó biết cách bao che cho nó bằng cách hướng sang cho người khác mà thôi.
Làm vậy bạn sẽ mất mát năng lượng rất nhiều và mục đích cuối cùng chỉ để bản ngã cũng cố cho những yếu kém của nó càng thêm vững chắc.

Con mắt thịt là để nhìn ra bên ngoài, nhìn thấy người khác được gọi là thông minh. Con mắt trí tuệ là con mắt để nhìn vào bên trong, là để nhìn thấy thế giới nội tâm bên trong đó được gọi là người thông tuệ.

Hãy nhìn ngược vào bên trong, thầm lặng mà sống và tự cải đổi.

Hướng nội và tự cải đổi chính mình thay vì hướng ngoại và đổ lỗi hoặc mong muốn sửa đổi người khác.

Hãy nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm về mình: Hạnh phúc hay khổ đau của cuộc đời mình là do sự lựa chọn của riêng mình, thì khi đó bạn mới tiến bộ được.

9. Không sửa đổi và cố kiểm soát người khác. Bởi thuốc là dành cho mình, khi nào bạn thấy người đó cần uống loại thuốc này thì thực ra loại thuốc đó đang rất cần cho bạn chứ không phải là đổ thừa cho gương soi.

Hãy kiểm soát 5 giác quan vật lý của mình, nó là kẻ lừa đảo nếu Bản ngã đang nắm quyền.
Hãy kiểm soát con ngựa tâm trí, trí năng và tàng thức của mình.
Hãy là một người trị vì tiểu vũ trụ của mình, là Vua ở bên trong, ngồi lên Ngai vàng của chủ quyền tự trị, khi đó bạn mới không còn mong muốn chạy ra bên ngoài để kiểm soát ai đó hay kiểm soát bất cứ cái gì nữa cả.

10. Không để tâm trí rong ruổi, lăng xăng, nhìn vào người khác rồi sinh ra so sánh, ghen tỵ đố kỵ, đánh giá, phán xét… đó là con đường dẫn đến cạm bẫy chết người, thế nhưng, ít nhất phải 1 lần tan nát xương thịt thì khi đó may ra mới hiểu mặt mũi của kẻ thù bên trong.

Hãy vắng lặng để khai thác kho báu nội tâm thiêng liêng sâu bên trong và rong chơi trong thế giới nội tâm bất tận.

11. Không tự ti, yếu đuối, mặc cảm sợ hãi và coi thường chính bản thân mình. Hãy bước ra khỏi cái nhà tù này, đừng để Bản ngã ảo tưởng tạo ra sự giới hạn về tiềm năng vô hạn vốn sẵn có bên trong chính mình!

Khi bạn có sự “cao ngạo ngầm” bên trong thì bạn sẽ có “nỗi sợ hãi”. Ngược lại, khi bạn có nỗi sợ hãi thì chắc chắn là bạn đang có sự cao ngạo hoặc ham muốn gì đó hay yếu kém sai lầm nào đó bên trong mà bạn đang cố tình che giấu. Nghĩa là bạn chưa thật sự trung thực với chính bản thân mình hoặc trí tuệ của bạn không đủ soi thấu những góc tối ẩn giấu ở bên trong chính bạn!

Nó là 2 mặt của 1 đồng xu.

Hãy đơn giản là chính mình, cuộc đời tu hành của bạn là để trở về sống với chính mình nguyên bản “trở về lại là chính mình hoàn hảo và tuyệt vời nhất” chứ không phải là để trở thành một ai đó khác bạn! Cây lúa là cây lúa đừng cố trở thành cây ngô! Mệt mỏi lắm, có phải không?

Tâm bình thường là lòng tự trọng, và là Đạo chân thật nhất.

Những ai sống được với lòng tự trọng họ sẽ rất bình thản tự tại, nhẹ nhàng và dễ dàng, xinh đẹp và đáng yêu, ngọt ngào và nhân hậu đó mới đích thực là sức mạnh!

12. Không hấp dẫn, thu gom và lặn lội tìm kiếm rác rồi dụng hết công sức để bới rác và phân lên mà ngửi…
Rác và phân rất cần cho cây nhưng phải biết dụng công và chuyển hóa nó thành dưỡng chất. Làm được như vậy mới là một người thông tuệ!

Hãy tìm kiếm giá trị và hướng tầm nhìn vào những giá trị nguyên thủy của mỗi người, khi bạn hướng dòng năng lượng của mình đến đâu thì nơi đó sẽ được tiếp thêm sức sống và sự dưỡng nuôi để nó phát triển.
Khi đó cả bạn và người khác sẽ cùng nhau phát triển xanh tốt.

Thầm lặng: Là lặng lẽ – vắng lặng: Tự biết mình, thấy rõ con đường và chặng hành trình của riêng mình… liên tục chuyển hóa và dịch chuyển bản thân về phía trước… Đích đến là sự hoàn hảo!

○ Hãy Khiêm tốn và hòa nhã.

○ Trung thực và trong sáng vô điều kiện.

○ Sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng.

○ Cẩn trọng và vui vẻ.

○ Mạnh mẽ và yêu thương.

○ Nhiệt tình và hoàn thành mọi trách nhiệm.

○ Biết ơn và rộng lượng.

○ Tâm trí Rỗng lặng, Bình an và tươi mát.

○ Trí tuệ sáng tỏ, rõ ràng và ổn định vững vàng không dao động.

○ Độc lập mới có sự tự do và tự tại, tự do tự tại trong thế giới nội tâm hay còn gọi là sự giải thoát, sự giải thoát này mang lại niềm hạnh phúc vô vàn…

○ Thế nhưng, đừng quên sẻ chia và nhân rộng…

Bình luận

comments